Hai nhà đầu tư Anh và Mỹ quan tâm tới dự án đường sắt 10 tỷ USD nối TP.HCM

‘Rục rịch’ khởi động dự án

Mới đây, Bộ GTVT đã có quyết định giao Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Kinh phí lập báo cáo được xác định theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hằng năm. Thời gian thực hiện việc lập báo cáo là từ năm 2021 đến 2022.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt để kết nối TP.HCM với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quy hoạch được phê duyệt trước đó, dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km với 14 ga, được thiết kế đường sắt đôi, khổ đường 1.435 mm, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Dự kiến khi tuyến đường sắt hoàn thành, từ TP.HCM đến TP. Cần Thơ tàu chỉ chạy mất 45 phút.

Tuyến sẽ bắt đầu từ ga An Bình (Bình Dương) đi qua các tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và điểm cuối là TP. Cần Thơ. Hướng tuyến tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu của TP.HCM và bốn tỉnh miền Tây. Dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 10 tỷ USD.

Hai nhà đầu tư Anh và Mỹ quan tâm tới dự án đường sắt 10 tỷ USD nối TP.HCM - Cần Thơ - Ảnh 1.
Sơ đồ lộ trình tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ. Ảnh: Trí Thức Trẻ

Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn, đại diện 5 tỉnh thành liên quan đã thống nhất với phương án mà Viện Khoa học – Công nghệ Phương Nam (đơn vị nghiên cứu) đề xuất là rút ngắn tuyến còn gần 135 km với 9 ga, đi theo hành lang bên phải đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Cụ thể, điểm đầu tuyến tại ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM), điểm cuối tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Dự án làm tuyến nhánh từ ga Thạnh Phú đi hai cảng Long An, Hiệp Phước, dài 44 km thuộc địa bàn TP.HCM và Long An.

Trên tuyến chính sẽ có 9 ga đô thị, gồm: Tân Kiên (TP.HCM); Thạnh Phú, Tân An (Long An); Tân Phước, Cai Lậy, Cái bè (Tiền Giang); Vĩnh Long, Bình Minh (Vĩnh Long); ga Cần Thơ (TP. Cần Thơ). Tuyến nhánh có 2 ga thuộc Long An gồm Long Định và Cần Giuộc. Hệ thống giao thông công cộng, nhà ở, trường học, bệnh viện, siêu thị… được đề xuất quy hoạch cạnh các ga đô thị. Tuyến có một depot (nơi sửa, bảo trì tàu…) tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Theo đại diện Viện Khoa học – Công nghệ Phương Nam, tuyến mới sẽ giảm khối lượng giải phóng mặt bằng và giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc phát triển các cụm đô thị kết nối với nhà ga. Đặc biệt, việc điều chỉnh trên còn giúp giảm chi phí xây dựng và thiết bị kèm theo 17.000 tỷ đồng.

Về tiến độ dự án, ông Vũ Hồng Phương, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, hiện ban được Bộ GTVT giao phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt này. Sau khi được giao, ban sẽ thuê tư vấn, thiết kế xây dựng phương án tiền khả thi trình Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm

Trước đó, trao đổi với báo chí, đại diện Viện Khoa học – Công nghệ Phương Nam cho hay, Viện đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với Quỹ Morfund của Canada với quy mô vốn đầu tư cho dự án là 6,3 tỷ USD Canada (tương đương 5 tỷ USD).

Theo phương án tài chính đang trình TP.HCM, công trình này sẽ được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công – tư), nhà nước chịu trách nhiệm phần giải phóng mặt bằng, còn tư nhân sẽ đảm nhận toàn bộ chi phí xây dựng.

Thông tin thêm về vấn đề này, theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cầu đường TP.HCM, Trưởng bộ môn Đường sắt metro, Trường đại học GTVT TP.HCM, hiện đã có 2 nhà đầu tư đến từ Mỹ và Anh quan tâm đến dự án này.

“Họ đánh giá hiệu quả đầu tư tuyến đường (sau khi thay đổi hướng tuyến) sẽ rất cao bởi nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa từ miền Tây Nam bộ lên TP.HCM rất lớn và còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới”, ông Hà Ngọc Trường thông tin.

Ngoài ra, theo đề xuất của đơn vị tư vấn, 9 ga sẽ được quy hoạch thành 9 thành phố mới với quy mô dân số tương đương một phường, xã gồm đầy đủ cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, nhà ở, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị… theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó các địa phương hoàn toàn có thể khai thác quỹ đất ở các ga để huy động nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, nhu cầu đi lại và nhu cầu vận tải của tuyến đường sắt này rất cao, sau khi có tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ sẽ là động lực để phát triển kinh tế xã hội của cả vùng.

Giá vé tuyến đường sắt là bao nhiêu?

Tại tờ trình Ban quản lý dự án đường sắt tổ gửi Bộ GTVT, nhà đầu tư sẽ xây dựng phương án tài chính khả thi để hoàn vốn trong vòng 25 năm. Theo đó, doanh thu tạm tính từ vận tải hành khách và hàng hóa, chi phí hiện tại của tuyến xe buýt từ TP.HCM tới Cần thơ là 200.000 đồng (cho một chuyến đi phải mất 5 – 6h, trên những con đường bị tắc nghẽn và tai nạn dễ xảy ra.)

Đối với đường hàng không, giá vé là 800.000 đồng (giá trung bình tính từ thời điểm năm 2020). Như vậy, giá vé hành khách bằng đường sắt có thể cạnh tranh được ở mức 500.000 đồng cho mỗi chuyến đi và chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ TP.HCM đến Cần Thơ có thể cạnh tranh được ở mức 80.000 đồng/tấn.

Cụ thể, giá vé cho từng chặng của tuyến đường sắt tốc độ cao TP. HCM – Cần Thơ được tính tỷ lệ theo số dặm chuyến đi được đề xuất như sau: Chặng TP.HCM – Long An: 120.000 đồng/hành khách/chuyến, 20.000 đồng/tấn hàng hóa; chặng TP.HCM – Tiền Giang: 280.000 đồng/hành khách/chuyến, 45.000 đồng/tấn hàng; chặng TP.HCM – Vĩnh Long: 425.000 đồng/hành khách/chuyến, 70.000 đồng/tấn hàng; chặng TP.HCM – Cần Thơ: 500.000 đồng/hành khách/chuyến, 80.000 đồng/tấn hàng.