Giá dầu Brent đã tăng 50% trong năm 2021, tiếp tục tăng thêm 14% trong những ngày đầu năm 2022, lên mức cao nhất trong vòng 7 năm, là 89 USD/thùng. Với tình trạng năng lực sản xuất bị bó chặt, lượng dự trữ còn rất ít và căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng tới một số khu vực sản xuất, giá dầu đang tiến gần đến ngưỡng 100 USD/thùng – mức giá mà Goldman Sachs dự đoán sẽ bị phá vỡ vào giữa năm nay – để tiếp tục lập những đỉnh cao khác.
JPMorgan dự đoán dầu có thể đạt 125 USD/thùng trong năm nay và 150 USD vào năm 2023.
Giá dầu và những dự đoán về lạm phát.
Mặc dù vậy, có thể ảnh hưởng thực tế từ việc giá dầu tăng thêm 12 USD/thùng so với mức hiện tại không phải quá lớn, vì lạm phát vốn đã phản ánh giá năng lượng tăng từ cách đây một năm. Ngoài ra, các nền kinh tế, nhất là ở phương Tây, hiện đã đa dạng hóa nguồn năng lượng hơn nhiều so với cách đây một thập kỷ.
Bên cạnh đó, lãi suất được điều chỉnh tăng lên ở các quốc gia bao gồm Anh và Na Uy, và những thông điệp từ các ngân hàng trung ương – như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong vài ngày tới có thể báo hiệu rằng họ có kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh như thế nào – đã kiềm chế những dự báo lạm phát có liên quan đến nguyên nhân giá dầu tăng.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã tính đến những tác động cơ bản kể từ khi giá dầu tăng vào năm 2021 và nhiều người cho rằng tác động về mặt tâm lý khi giá dầu lên đến 100 USD/thùng là không thể xem nhẹ, nhất là khi người tiêu dùng, doanh nghiệp và các chính trị gia lo ngại lạm phát đã ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ hoặc cao nhất trong lịch sử.
Thực tế là giá tiêu dùng ở Mỹ tháng 12 đã lên đến 7%, mức cao nhất trong vòng 40 năm. Dữ liệu từ Vương quốc Anh cũng cho thấy lạm phát của nước này đã ở mức cao nhất 30 năm, với nguyên nhân được nhấn mạnh là bởi ảnh hưởng của giá năng lượng đến giá thực phẩm và dịch vụ ăn uống.
Frederik Ducrozet, chiến lược gia của Pictet Wealth Management, ví von rằng: “Đó có thể là quả anh đào trên chiếc bánh lạm phát nếu chúng ta không điều chỉnh giá năng lượng”. Theo ông: “Lần này có một chút khác biệt vì chúng ta đã ở thời điểm rủi ro tăng lên và các ngân hàng trung ương đang lo lắng về vòng xoáy giá tiền lương vì giá năng lượng góp phần vào các tác động từ ‘vòng hai’”.
Các chỉ về lạm phát của Citi đã bất ngờ cho thấy mức cao kỷ lục chưa từng có trong nhiều năm ở Châu Âu và nhiều nơi khác, cho thấy lạm phát đã cao hơn mọi dự đoán.
Dầu mỏ là “thủ phạm”?
Nếu dầu chạm mốc 100 USD và giữ nguyên ở đó thì điều đó sẽ gây xáo trộn lớn trong những kế hoạch của các nhà hoạch định chính sách – ví dụ như dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu giả định giá dầu Brent ở mức 77,5 USD vào năm 2022, giảm xuống còn 69,4 đô la vào năm 2024.
Điều quan trọng nữa là giá dầu ở mức đó cũng có thể khiến các doanh nghiệp chuyển chi phí sang tay người tiêu dùng hoặc người lao động để từ đó gián tiếp túc đẩy họ yêu cầu mức lương cao hơn. Những tác động được gọi là ‘vòng hai’ này có thể gây ra một vòng xoáy lạm phát rộng hơn gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải hành động dù muốn hay không.
Mức độ ảnh hưởng khác nhau giữa các quốc gia nhưng trong khu vực đồng euro, việc tăng giá dầu 10% sẽ làm tăng khoảng 0,5% vào lạm phát, mặc dù các tác động trực tiếp có xu hướng giảm nhanh chóng.
Đối với Mỹ, một bài báo đăng tải hồi tháng 11 trên mạng nghiên cứu CESifo của hai nhà nghiên cứu Fed ở Dallas đã ước tính rằng kịch bản dầu 100 USD sẽ nâng chỉ số đo lạm phát PCE hàng năm thêm 1,8 điểm phần trăm vào cuối năm 2021, và 0,4 điểm phần trăm vào cuối năm 2022.
Cũng theo bài báo nghiên cứu đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi, thước đo lạm phát được Fed sử dụng để xem xét các điều chỉnh chính sách, sẽ tăng lần lượt 0,4 điểm và 0,3 điểm vào năm 2021 và 2022. Điều đó sẽ khiến lạm phát ở các hộ gia đình Mỹ tăng 1,2 điểm phần trăm mỗi năm trong năm 2021 và 2022, và trong giai đoạn 5 năm tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm.
Lạm phát đang trên đường trở lại như những năm 1970s.
Đối với một số người, các tác động của ‘vòng thứ hai’ đã hiện hữu, với nền kinh tế Mỹ gần như đạt mức việc làm tối đa và mức lương trung bình theo giờ tăng 0,6% trong tháng 12. Nước Anh, nơi tạo ra nhiều việc làm kỷ lục, đang cân nhắc việc tăng lương tối thiểu để ‘xoa dịu nỗi đau’ hóa đơn nhiên liệu.
Áp lực tiền lương vẫn chưa xuất hiện ở khu vực đồng euro. Nhưng do các hóa đơn năng lượng tăng cao, chiến lược gia cấp cao của Societe Generale chuyên nghiên cứu về lạm phát, Jorge Garayo, cho rằng giá dầu 100 USD có thể tạo ra môi trường lạm phát cố định, khuyến khích nhu cầu tăng lương.
Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư tiền tệ đang đặt cược rằng ECB sẽ phải sớm thắt chặt chính tiền tệ, có thể sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay. Isabel Schnabel, thành viên của Ủy ban Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết giá năng lượng tăng gần đây có thể buộc ngân hàng ngừng việc chỉ “xem xét” lạm phát cao và hành động để kiềm chế giá tăng quá mạnh.
Điều gì sẽ xảy ra với giá dầu”? Nhu cầu trong mùa đông sẽ tăng hoặc giảm mạnh trở thành “chìa khóa” của vấn đề. Các tháng tới cũng sẽ cho thấy các yếu tố lạm phát khác như giá điện và tắc nghẽn nguồn cung có giảm bớt hay không. Cuối cùng, nếu giá dầu đắt đỏ bắt đầu ảnh hưởng đến tiêu dùng và làm chậm tăng trưởng kinh tế, thì nhu cầu năng lượng có xu hướng tự điều chỉnh.
Massimiliano Castelli, người phụ trách bộ phận chiến lược Global Sovereign Markets của UBS Asset Management, kỳ vọng giá dầu sẽ nằm trong khoảng 60 – 80 USD/thùng.
Trong khi đó, Antonio Cavarero, người đứng đầu bộ phận đầu tư của Generali Insurance Asset Management, cho biết: “Nếu chúng ta thấy rằng lạm phát đang mạnh dần lên, ở mức cao hơn so với những dự báo chính thức hiện nay, thì tất cả các ngân hàng trung ương có thể sẽ buộc phải áp dụng các phương pháp tiếp cận thận trọng hơn, bao gồm cả ECB”. “Nhưng điều này vẫn sẽ phải chờ xem,” ông Cavareno cho biết.
Mức tăng giá dầu Brent (giá tính bằng tiền USD và bằng tiền tệ của một số nền kinh tế mới nổi).
Tham khảo: Reuters